Những nguồn thay thế đậu nành Nam Mỹ

Ấu trùng ruồi, bèo tấm hay đậu nành châu Âu đã được kỳ vọng để trở thành nguồn protein bổ sung trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đâu mới là giải pháp bền vững nhất?

Protein là một thành phần thiết yếu trong thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, châu Âu sử dụng 3% đất nông nghiệp để trồng đậu tương và các loại cây họ đậu. Đậu tương chủ yếu được trồng ở Nam Mỹ nhưng khó có thể nhập khẩu được đậu tương đạt chứng nhận RTRS (Hội nghị bàn tròn về đậu tương trách nhiệm). Đó là lý do tại sao mà việc tìm kiếm nguồn thay thế đậu tương Nam Mỹ lại trở nên quan trọng như vậy.

vnmilk4

Côn trùng được kỳ vọng là nguồn Protein bền vững

Theo các chuyên gia trong ngành, 4 giải pháp sau đây có khả năng thay thế đậu nành Nam Mỹ:

  • Tăng lượng protein trong các vụ cây trồng hiện đang được sử dụng rộng rãi làm thức ăn chăn nuôi;
  • Cải thiện chiết xuất protein từ các hạt hướng dương, hạt cải, lúa mỳ và ngô;
  • Trồng đậu tương, đậu Hà Lan, lạc, đậu Lupin và đồng cỏ trên các cánh đồng ở châu Âu;
  • Nuôi bèo tấm, tảo, rong biển, côn trùng

          Đôi khi do lợi ích kinh tế, những nguồn protein thay thế khác như bột thịt xương hay bột huyết bị cấm hoặc không được sự ủng hộ của cộng đồng như trường hợp của bột cá, nấm và bột sữa. Nhưng do hạn chế về dinh dưỡng, hoặc hạn chế về mặt kinh tế, 4 giải pháp trên nếu tách riêng ra thì vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu protein hiện nay. Nhưng sự kết hợp của 4 nhóm trên lại có thể tạo ra một giải pháp hoàn hảo.

Nguồn thay thế 1: Tăng lượng protein ở những nguồn nguyên liệu giàu năng lượng

                Loại cây ngũ cốc được trồng nhiều nhất tại châu Âu là lúa mỳ. Sự sẵn có của nguồn cung lúa mỳ khiến nó trở thành đối tượng dễ tăng hàm lượng protein nhất. Ở những nơi hàm lượng protein dưới 9%, chuyên gia nhận thấy: bằng cách trồng đa dạng các giống lúa mỳ, hàm lượng protein có thể tăng lên từ 1% – 3%. Chỉ là một sự thay đổi nhỏ, nhưng do diện tích trồng lớn có thể mang lại những tác động lớn trên toàn diện. Tuy nhiên, quá trình này có nhược điểm đó là phải mất nhiều năm mới mang lại hiệu quả rõ nét.

vnmilk1

Lúa mì là cây nông nghiệp chính tại Châu Âu

Nguồn thay thế 2: Cải tiến chiết xuất protein

          Những loại sản phẩm này hiện chủ yếu được sử dụng để sản xuất dầu (cải, hướng dương) và ethanol (lúa mỳ và ngô). Những phụ phẩm cũng giàu protein và đã được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

vnmilk2

Khô dầu hại cải là nguồn thức ăn chăn nuôi phổ biến

Hạt hướng dương và khô dầu hạt cải

          Hạt hướng dương có thể được sử dụng để chiết xuất dầu hướng dương. Phụ phẩm còn lại là khô dầu hạt hướng dương rất giàu protein. Trong quá trình sản xuất dầu hạt cải giàu protein, phụ phẩm còn lại là khô dầu hạt cải. Cả hai phụ phẩm này đều có giá trị kinh tế, nhưng do những tác động tiêu cực lên hệ tiêu họa nên chúng bị hạn chế sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là cho những vật nuôi còn non gồm gà, heo. Nguồn protein này, do vậy chủ yếu được sử dụng để nuôi bò sữa, heo nái và gà đẻ.

Nguồn thay thế 3: Các loại cây trồng protein tại EU

          Ngoài việc mở rộng diện tích trồng những loại cây sẵn có, người ta đã tính đến việc trồng thử các loại cây lương thực mới tại châu Âu. Loại cây tiềm năng nhất là các loại đậu, lạc, đậu lupin. Ngoài đậu, cỏ cũng được kỳ vọng trở thành nguồn protein tiềm năng.

Đậu tương trồng tại EU
          Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Wageningen cho rằng đậu tương trồng tại châu Âu có thể được coi là một nguồn protein thay thế. Nhưng hạn chế lại chính là năng suất. Vụ đậu tương châu Âu hiện chỉ đạt năng suất khoảng 3,5 tấn/ha nhưng vẫn quá thấp để có thể thay thế đậu nành Nam Mỹ. Nếu muốn thay thế, năng suất đậu châu Âu ước tính phải tăng ít nhất 5 lần.

vnmilk31

Đậu Hà Lan là cây trồng thay thế tiềm năng

Lạc và đậu Hà Lan
          Trồng đậu Hà Lan, lạc hay đậu lupine có thể được coi là nguồn thay thế nhưng đòi hỏi một vài sự điều chỉnh nhỏ. Sự mẫn cảm với dịch bệnh thực vật gây ra bởi các loại ký sinh, nấm và virus, như là virus mosaic vẫn còn là một hạn chế lớn. Ngoài ra, sản lượng các loại cây trồng này không ổn định, và năng suất thường ở mức thấp. Ngoài ra, hàm lượng protein của các loại đậu này không cao, đặc biệt là đậu lupine. Tuy nhiên, đậu Hà Lan chứa tới 57% hàm lượng protein, có giá trị dinh dưỡng cao với các loại vật nuôi lúc còn non.

Cỏ
          Cỏ có rất nhiều xung quanh chúng ta. Trong khi đó, cỏ cũng chứa protein, có thể sử dụng như nguyên liệu tươi sống trong các loại thức ăn tổng hợp. Đại học Wageningen và Grassa đang nghiên cứu cách chiết xuất nước ép giàu protein từ cỏ tươi để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, chi phí (năng lượng) vẫn còn rất cao. Do đó, đến nay cỏ vẫn chưa thể trở thành nguồn protein thay thế ở quy mô rộng lớn.

Nguồn thay thế 4: Các loại cây trồng khác ngoài cây nông nghiệp

          Nguồn protein thay thế từ các loại cây trồng không phải cây nông nghiệp truyền thống cũng được coi là một giải pháp đáng cân nhắc vì chúng không tốn diện tích đất canh tác và sản lượng cao. Ví dụ, trồng tảo biển hoặc nuôi côn trùng trong các khu công nghiệp sẽ không cần sử dụng đến đất nông nghiệp. Hiện tại, côn trùng và tảo biển chưa phổ biến, nhưng người ta dự đoán, đây là sẽ là nguồn protein thay thế rất tiềm năng trong tương lai.

Rong biển, tảo và bèo tấm
Có một vài loại rong biển và tảo có tiềm năng trở thành nguồn proteinthay thế vì hàm lượng protein rất cao. Tuy nhiên, do chứa nhiều nước, nên chi phí sấy khô khá tốn kém. Tảo đã được sử dụng làm thức ăn cho cá với hàm lượng bổ sung 10-20%.

Côn trùng
Côn trùng không còn là khái niệm xa lạ trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là hai đối tượng tiềm năng như ấu trùng ruồi lính đen và bột trùn quế. Hiện tại, hệ thống luật pháp vẫn là cản trở lớn với việc sản xuất côn trùng, đặc biệt là những nghi vấn như liệu côn trùng có được coi như là một hoạt động nuôi động vật hay không. Nếu như không có sự hạn chế pháp luật, thì côn trùng sẽ trở thành nguồn protein thay thế hoàn hảo. Các chuyên gia kỳ vọng, protein từ côn trùng sẽ trở thành nguồn thay thế tiềm năng trong vòng 2 tới 5 năm nữa.

Như vậy,việc nhập khẩu đậu tương Nam Mỹ không thể thay thế hoàn toàn, ít nhất trong vài năm tới mặc dù các nguồn nguyên liệu thay thế cũng khá sẵn có. Nhưng vẫn còn nhiều thứ cần phải tính tới như giá sản phẩm, nguồn cung, và những tác động tới hệ tiêu hóa, đặc biệt tới những vật nuôi còn nhỏ.

Hà Linh (Nguồn: The Feednews)