Tình hình sản xuất chăn nuôi 9/2016

TÌNH HÌNH CHUNG

Theo Bộ NN&PTNT, tình hình chăn nuôi cả nước trong tháng 9/2016 phát triển tương đối ổn định do dịch bệnh không xảy ra và giá bán duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ đang giảm và quy mô nuôi tập trung số lượng lớn như trang trại, gia trại đang phát triển. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số bò cả nước tháng 9 tăng khoảng 2-2,5% so với cùng kỳ năm 2015; Tổng số lợn tăng 3,5-4%; Tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 5-5,5%.

Chăn nuôi trâu, bò: Đàn trâu bò có xu hướng phục hồi do có thị trường tiêu thụ. Ước tính tổng số trâu của cả nước vào tháng 9/2016 giảm khoảng 1%, bò tăng khoảng 2-2,5% so với cùng kỳ năm 2015; Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2016 giảm khoảng 1,2%; Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2016 tăng khoảng 2,03% so với cùng kỳ năm 2015.

Chăn nuôi lợn: Đàn lợn phát triển tương đối ổn định do dịch bệnh không xảy ra và giá bán duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ đang giảm và quy mô nuôi tập trung số lượng lớn như trang trại, gia trại đang phát triển. Ước tính tổng số lợn của cả nước vào tháng 9/2016 tăng khoảng 3,5-4%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2016 tăng khoảng 4,45% so với cùng kỳ năm 2015.

Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm phát triển tốt, ước tính tổng số gia cầm của cả nước vào tháng 9/2016 tăng khoảng 5-5,5%; Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2016 tăng 5,68%; Sản lượng trứng gia cầm 9 tháng năm 2016 tăng khoảng 6,02% so với cùng kỳ năm 2015.

Dịch bệnh: Theo Cục Thú y, tính đến thời điểm 04/10/2016, tình hình dịch bệnh trong cả nước diễn biến như sau:

1. Dịch Cúm gia cầm

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
 
2. Dịch Lở mồm long móng gia súc
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.

  Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.

3. Dịch Tai xanh trên lợn

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch Tai xanh tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày (đã qua 14 ngày).
 
4. Nhận định tình hình dịch
Cúm gia cầm:
 Do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao; các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
 
Dịch LMLM: Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
t9-300x191
 
Dịch lợn tai xanh: Ổ dịch xảy ra trên đàn lợn chưa được tiêm phòng vắc xin tai xanh; trong khi đó vi rút Tai xanh có thể vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi kết hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng xấu đến đàn gia súc nuôi làm phát sinh dịch bệnh. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch có thể xuất hiện và gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn các ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 262/TY-DT ngày 22/02/2016) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
 
 THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI

Trong tháng 9/2016, giá thu mua lợn hơi giảm nhẹ so với thời điểm cuối tháng 8/2016 do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước không có biến động và xuất khẩu lợn sang thị trường Trung Quốc cũng khá hạn chế so với những tháng đầu năm 2016.

Trong tháng 9/2016, giá thu mua lợn hơi nhìn chung giảm nhẹ so với thời điểm cuối tháng 8/2016. Theo đó, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, Vĩnh Long đã giảm khoảng 3.000-4.000 đ/kg và 1.000 đ/kg, hiện có mức giá lần lượt là 42.000 – 43.000 đ/kg và 42.000 đ/kg.

Cùng chiều với giá lợn hơi, giá thu mua gia cầm cũng đang có xu hướng giảm so với thời điểm cuối tháng 8/2016. Theo đó, giá thu mua gà ta, tại Đồng Nai đã giảm 3.000 – 5.000 đ/kg, hiện đạt 65.000 đ/kg; gà công nghiệp lông màu giảm 1.000 – 2.000 đ/kg xuống mức 33.000 – 35.000 đ/kg và gà lông trắng giảm 1.000 – 4.000 đ/kg, xuống mức 20.000 đ/kg.

Nhìn chung, trong 9 tháng vừa qua, giá thu mua lợn hơi có nhiều biến động trái chiều. Từ đầu năm cho đến giữa tháng 5/2016, thịt trường lợn hơi biến động tăng do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như nội địa tăng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5/2016, Trung Quốc đột ngột ngừng nhập lợn hơi qua đường tiểu ngạch do tăng cường công tác kiểm soát kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm vào nội địa, khiến giá lợn hơi tại Việt Nam bắt đầu giảm, từ mức giá 49.000-53.000 đ/kg, xuống mức 42.000 – 43.000 đ/kg (tùy loại).

Nhìn lại 9 tháng qua, chăn nuôi gà ta đang có nhiều lợi thế cạnh tranh về thị trường hơn so với gà công nghiệp. Thời điểm gà ta “sốt” giá nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2016 với mức giá tại trại là 75.000 đ/kg. Trong khi đó, giá gà công nghiệp lông màu liên tục giảm, nằm dưới giá thành, có những thời điểm giá gà lông màu bán tại trại chỉ còn 27.000 – 28.000 đ/kg.

TÌNH HÌNH NHẬP KHẨU

Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước tính trong tháng 9/2016 ước đạt 262 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 9 tháng đầu năm 2016 đạt 2,46 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2015. Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm 2016 là Achentina, Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 46,2%, 10,8% và 8,8%. Các thị trường có giá trị mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là TVQ Arap Thống Nhất (tăng 71,7%), Trung Quốc (tăng 46,7%), Áo (tăng 39,3%), Indonesia (tăng 16,1%) và Achentina (tăng 7,8%) và Đài Loan (tăng 6,4%). Các thị trường còn lại đều có giá trị nhập khẩu giảm, trong đó Brazil (giảm 46,2%), Ấn Độ (32,1%), Hoa Kỳ (26,5%), và Thái Lan (25,9%).

Lúa mì: Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 9/2016 đạt 699 nghìn tấn với giá trị đạt 150 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu lúa mì 9 tháng đầu năm 2016 đạt 3,41 triệu tấn với giá trị đạt 728 triệu USD, tăng 81,8% về khối lượng và tăng 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 8 tháng đầu năm 2016 là Úc, chiếm tới 43,3% thị phần và tăng khoảng 36,8% về khối lượng và tăng 14,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp theo là Brazil chiếm 11% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này, với tổng khối lượng nhập khẩu đạt 333,6 nghìn tấn và 63,76 triệu USD, tăng 5,8% về khối lượng nhưng giảm 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường có giá trị giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2015 là thị trường Canada (giảm tới 74% về khối lượng và giảm 73,4% về giá trị).

Đậu tương: Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 9/2016 đạt 51 nghìn tấn với giá trị 25 triệu USD, đưa tổng khối lượng đậu tương nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2016 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị đạt 444 triệu USD, giảm 16,9% về khối lượng và giảm 23,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Ngô: Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 9/2016 đạt 1,5 triệu tấn với giá trị đạt 296 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu ngô 9 tháng đầu năm 2016 đạt 5,89 triệu tấn với giá trị đạt 1,16 tỷ USD, tăng 14,9% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 8 tháng đầu năm 2016, Braxin và Achentina là hai thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt là 49,6% và 38,3% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng. Thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là thị trường Campuchia tăng 70,5% về khối lượng và tăng 58% về giá trị. Thị trường có giá trị giảm mạnh là Ấn Độ, giảm tới 99,5% về khối lượng và giảm 94,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Sắn và các sản phẩm từ sắn XK: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 9 năm 2016 ước đạt 187 nghìn tấn với giá trị đạt 53 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các phẩm từ sắn 9 tháng đầu năm đạt 2,8 triệu tấn và 746 triệu USD, giảm 14,9% về khối lượng và giảm 26,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính trong 8 tháng đầu năm 2016 chiếm tới 85,7% thị phần, giảm 29,2% về khối lượng và giảm 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 8 tháng đầu năm 2016, giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam hầu hết đều giảm ngoại trừ thị trường Malaysia và Hàn Quốc có giá trị tăng lần lượt là 14,4% và 1,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com